Bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" tập trung vào các nội dung đòi tự do, dân chủ của những người dân thuộc địa, với yêu cầu bức thiết cần phải thiết lập một chế độ cai trị bằng các đạo luật ở Việt Nam chứ không phải bằng các Sắc lệnh, bản Yêu cầu tám điểm của nhân dân An Nam đã lần đầu tiên thể hiện một cách đậm nét hai từ “pháp quyền”. Lý tưởng dân quyền, việc thực thi quyền lực của nhân dân, thực thi tổ chức và điều hành xã hội bằng pháp luật do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong văn bản pháp lý nêu trên đã phản ánh nguyện vọng và yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của con người ở các thuộc địa, trong đó có xứ Đông Dương thuộc Pháp.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất từng nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Chính Người, ngay từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở về với thế giới người hiền vẫn luôn trăn trở khát vọng về một nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, nhân dân Việt Nam được tự do, hạnh phúc, có đủ quyền làm người cao cả nhất. Trong những thời điểm khác nhau, Người đã từng bước đấu tranh để thực hiện khát vọng của mình và khẳng định chắc chắn rằng: Nếu được độc lập, nước Việt Nam sẽ xếp đặt một nền Hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội theo “lý tưởng dân quyền”.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ngày 18/6/1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Véc xây (18-21/6/1919). Khi đó, cũng như nhiều người, nhiều dân tộc “từng bị mê hoặc bởi những tuyên bố rộng rãi về quyền tự quyết của các dân tộc” của Tổng thống Hoa Kỳ, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam (bản Yêu sách tám điểm) gửi tới Hội nghị Véc xây. Bản Yêu sách tám điểm được luật sư Phan Văn Trường viết bằng tiếng Pháp (vì lúc này Nguyễn Tất Thành chưa thạo tiếng Pháp; dưới bản Yêu sách tám điểm ký tên: Nguyễn Ái Quốc). Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện; đây cũng là điểm khởi đầu của một hành trình đấu tranh cách mạng và điểm khởi đầu đó đã gây chấn động nước Pháp và thế giới. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển thể bản Yêu sách tám điểm qua thể thơ lục bát và song thất lục bát với tên gọi Việt Nam yêu cầu ca.

100 năm trước (6/1919- 6/2019), cũng vào những ngày tháng 6 lịch sử, Bản yêu sách của nhân dân An Nam được gửi cho tất cả các đoàn đại biểu dự Hội nghị Véc xây; đồng thời, Yêu sách tám điểm cũng được chuyển cho Giơnơvie Taburi (Genevievre Tabouis) - vừa là thư ký, vừa là cháu gái của Trưởng đoàn đại biểu Pháp - Jules Chambon. Ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư trả lời của đoàn đại biểu Nicaragoa, nhờ chuyển lời cảm ơn về việc bản Yêu sách tám điểm này đã khiến cho một đại biểu của đoàn là ông Samôrô hết sức chú ý, và đi liền cùng đó là lá thư của đoàn đại biểu Hoa Kỳ với lời hứa “sẽ trình thư đó lên Tổng thống”, v.v..

Bản Yêu sách của nhân dân An Nam ký tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại thủ đô Pari của nước Pháp, với 8 nội dung cơ bản được nêu ra: “1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phạn trung thực nhất trong nhân dân An Nam; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thưởng trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.

Với bản Yêu sách tám điểm này, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho một dân tộc đã bị "mất tên" trên bản đồ thế giới đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của một nước thuộc địa ra quốc tế; đòi cho nhân dân Việt Nam có những quyền cơ bản, chính đáng, cụ thể ngay giữa vòng vây của kẻ thù. Yêu sách tám điểm thực sự như một tiếng kêu cứu, như một tiếng nói hiện diện của người dân một xứ thuộc địa tại một Hội nghị quốc tế. Về thực chất, Yêu sách tám điểm cũng mới chỉ dừng ở sự “đòi hỏi” thực dân Pháp “lỏng tay” hơn trong chính sách cai trị và “không có gì quá đáng” về tự do, dân chủ, nhưng từ bản Yêu sách này, người ta tin rằng sự thức tỉnh của những lục địa chưa được gọi là “văn minh” rồi đây cũng hẳn sẽ tìm thấy từ Yêu sách của nhân dân An Nam “tiếng nói của dân tộc mình”, "như mình", "cho mình" trong hành trình đấu tranh cho tự do, dân chủ và quyền bình đẳng.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng