THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HỌC

Câu hỏi: Quá trình mở đất, lập chính quyền của người Việt Nam trên đất Sài Gòn diễn ra như thế nào? Đồng chí có suy nghĩ, nhận định như thế nào về vấn đề này?
A. Chủ đề: Quá trình mở đất, lập chính quyền của người Việt Nam trên đất Sài Gòn.
B. Trọng tâm và giải quyết vấn đề: 
1. Khái quát lịch sử Sai Gòn – TP. Hồ Chí Minh 300 năm
a. Cuối thế kỷ 17:
- Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) Chúa Nguyễn cửa Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Ông “Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên, xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để giữ và chăm dân”.
- Sài Gòn trở thành trung tâm hành chính, thương mại của cả vùng. Lỵ sở của Phủ Gia Định của huyện Tân Bình đều đóng tại Phiên Trấn – Sài Gòn. Trấn phủ dinh Phiên Trấn cũng là tri huyện Tân Bình, tri phủ Gia Định. Nguyễn Hữu Cảnh cũng tiến hành phân chia các đơn vị hành chính cấp cơ sở như tổng, thôn, phường, ấp, điểm, lân…
- Ông tiến hành đăng bộ đinh, điền đưa việc quản lý hành chính vào nề nếp chính quy, chấm dứt thời kỳ tự phát, tự quản của lưu dân.
- Tổ chức chiêu mộ người ở miền Trung vào mở mang, khai thác vùng đất mới…, cho phép mở mang thương mại, khuyến khích làm giàu, làm ăn lớn.
- Về quân sự, Chúa Nguyễn cho đắp luỹ kết hợp các con sông để bố phòng nhằm bảo vệ Sài Gòn. Đối với người Hoa Minh Hương, Chúa Nguyễn cũng thực hiện một số chính sách đồng hoá tương đối hợp lý.
- Sau khi lập Phủ Gia Định, Sài Gòn trở thành một trung tâm chính trị, một chiến luỹ quân sự, có nhiều phố chợ buôn bán, một bến cảng xuất nhập khẩu lớn, gắn bó với sự phát triển của toàn miền Nam.
b. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19:
- Sài Gòn giữ vai trò là thủ phủ Gia Định thành.
- Từ những ưu thế về địa lý tự nhiên như địa hình, sông ngòi, thổ nhưỡng, Sài Gòn được xây dựng cải tạo, tu bổ do bàn tay con người sau hơn một thế kỷ đã trở thành “ đại đô hội không đâu sánh bằng”.
+ Thương mại phát triển nhanh chóng, gạo trở thành món hàng chiến lược về kinh tế; phương tiện chính trị, ngoại giao; gạo chuyển đổi thành vũ khí.
+ Trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước: ty thợ và phường thợ, chuyên môn hoá sản xuất.
+ Là nơi đầu tiên tiếp thu kỹ thuật phương Tây: đúc súng, đúc tàu, vẽ bản đồ, xây thành Bát Quái.
+ Giáo dục đào tạo từ việc dạy tư gia chuyển thành học cử nghiệp, tổ chức các khoa thi để chọn nhân tài.
+ Văn học cũng có bước phát triển, nhiều trí thức của các vùng được thu nhận về làm việc tại Sài Gòn.
+ Đời sống vật chất  được nâng cao nên đời sống tinh thần, văn hoá, nghệ thuật cũng phát triển theo.
+ Về xã hội đã xuất hiện các tầng lớp khác nhau: sĩ, nông, công, thương.
c. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20:
- Năm 1877, Pháp chính thức công nhận Thành phố Sài Gòn là thành phố loại I của Pháp, khẳng định vai trò của Sài Gòn là trung tâm về chính trị, kinh tế, hành chính trong toàn miền.
- Năm 1887, Pháp chính thức công nhận là thủ phủ của toàn Đông Dương. Sài Gòn lúc này trở thành một đô thị mang dáng dấp phương Tây được Pháp xem như là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
- Xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, khu hành chính ở Trung tâm Thành phố: toà nhà làm việc, bưu điện, nhà thờ, bệnh viện, trường học, kho tàng, trại lính, xưởng sửa chữa tàu. Dân số ngày một tăng. Mở rộng đường sá, cảng Sài Gòn.
+ Chính trị: Pháp thực thi ở Sài Gòn Nam Kỳ nền chính trị trực tiếp và toàn diện trên các mặt khác nhau.
+ Kinh tế: nền kinh tế TBCN xâm nhập vào Sài Gòn.
+ Xã hội: cuối thế kỷ 19 giai cấp công nhân ra đời đầu tiên ở Sài Gòn; đầu thế kỷ 20 gia cấp tư sản Việt Nam ra đời.
+ Văn hoá, tư tưởng: thời kỳ này có nhiều luồng tư tưởng khuynh hướng tư tưởng khác nhau liên tục dồn dập dội vào Sài Gòn. Xã hội Sài Gòn là trung tâm tiếp nhận của nhiều luồng tư tưởng khác nhau.
- Sài Gòn đã phát triển vượt bậc, trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương, là trung tâm của cả miền với những biến đổi quan trọng trên nhiều mặt.
d. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21:
- TP.HCM ngày nay giữ vai trò vị trí quan trọng của cả miền, cả nước; đã được Bộ chính trị nhấn mạnh trong Nghị quyết thứ 20 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010.
* TP.HCM ngày nay là đô thị lớn của cả nước nước: Các mặt cụ thể:
- Tốc độ phát triển và quy mô về bộ mặt, diện mạo đô thị nhanh nhất nước, lan toả mạnh ra bên ngoài.
- Tốc độ phát triển và quy mô về dân số nhanh nhất nước nhưng chủ yếu là tăng cơ học. Sau giải phóng 3,5tr dân; cuối thập niên 80, đầu 90: 5tr dân; ngày nay 10tr dân gốm có 7,5tr dân tại chỗ và 2,5tr dân nhập cư.
- Tôn giáo và dân tộc phong phú, đa dạng, có hơn 10 tôn giáo lớn nhỏ khác nhau; có 52/54 dân tộc ở TP.HCM (4 nhóm dân tộc lớn: Người Việt, Người Hoa, Người Khmer, Người Chăm), ngoài ra còn kể đến người nước ngoài.
- Chỉ số phát triển kinh tế phát triển nhanh nhất, mạnh nhất, tăng liên tục, chỉ số GDP cao, bình quân thu nhập đầu người tăng cao, đời sống vật chất ngày càng cao. 
* TP.HCM là một trung tâm chính trị hành chính lớn của quốc gia:
- Trụ sở lớn của cả nước, nơi đặt các cơ quan trong nước và quốc tế: lãnh sự quán, các tổ chức phi chính phủ: WHO, UNICEF, UNESCO, FOUND…; đặt văn phòng của các cơ quan Trung ương.
- Diễn đàn lớn của cả nước: là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động lớn của quốc gia: hội họp, hội nghị trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Là nơi dừng chân ghé thăm, đến tham quan, nghỉ ngơi, ký kết văn bản ngoại giao, đầu tư làm ăn kinh doanh của những nhà kinh tế, những doanh nhân, của những chính khách, những nguyên thủ quốc gia. Là điểm đến hấp dẫn, an toàn.
* TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước:
- Là đầu tàu kinh tế quốc gia, là hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
- Là trung tâm công nghiệp lớn, là trung tâm thương mại – dịch vụ, là trung tâm tài chính, tiền tệ, tín dụng, là trung tâm bưu chính viễn thông, là trung tâm giao thông vận tải lớn của cả nước.
C. Liên hệ bản thân, đơn vị: Anh/chị tự liên hệ tại đơn vị.