THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HỌC

Câu hỏi: Đồng chí hãy phân tích, chứng minh vai trò, vị trí của nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển kinh tế Nam bộ và cả nước?
A. Chủ đề: Đặc điểm, vai trò vị trí, tiềm năng, thế mạnh của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển.

B. Trọng tâm và giải quyết vấn đề:
1. Đặc điểm kinh tế TP.HCM:
a. Đặc điểm kinh tế TP.HCM:
Là trung tâm lớn nhất nước, nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía nam
Sớm phát triển kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa khi mà nhiều nơi còn nặng kinh tế tự cung tự cấp kiểu phong kiến, luôn năng động đi trước cả nước về đổi mới, về xây dựng nền kinh tế thị trượng theo định hướng XHCN.
Dù trong thời bình hay thời chiến, dù là thực dân cũ hay thực dân mới, dù là thời khủng hoảng hay thời đổi mới thì kinh tế thị trường đều tăng trưởng, đều phát triển.
Nền kinh tế của tành phố là nền kinh tế mở, gắn kết với khu vực và quốc tế, nội dung của quan hệ là hoạt động thương mại, hoạt động ngoại thương luôn sôi động. Sự phát triển kinh tế thành phố giữ vai trò động lực, vai trò đầu tàu cho cả khu vực. Kinh tế thành phố chịu ảnh hưởng sớm nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất của các biến động kinh tế trên thế giới, nhất là các nước xung quanh.

b. Tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế kinh tế của thành phố:
Vị trí địa lý: thành phố năm ở trung tâm nam bộ, nằm trên cửa ngõ hàng hải quốc tế, với một vùng khí hậu, sông ngòi, thủy văn, thổ nhưỡng, ... hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế của thiên nhiên ban phát do đó cần phải khai thác tận dụng triệt để, tuy nhiên ngày nay con sông Sài gòn hay vùng đất nội thành kể cả ngoại thành không dễ dàng chứa nổi sự phát triển của dân số, của công nghiệp, của thương mại, buộc con người phải quy hoạch, tính toán cẩn thận.
Cơ sở hạ tầng: so với cả nước thành phố có cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - XH sớm được xây dựng và hoàn chỉnh. Hạ tầng đô thị như cấp thoát nước, xử lý chất thải, giao thông đô thị, cấp nước công nghiệp, cung cấp điện,... từng bước phát triển và hiện đại hóa. Hệ thống thông tin liên lạc cũng đã có bước phát triển cao.
Cái hạn chế lớn nhất là không hiện đại hóa kịp thời, chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế- XH. Trong thời gian qua TP đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh trật tự đô thị trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, giao thông, môi trường,... đã mang lại những kết quả nhất định, tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư của thành phố.
Nguồn vốn: vốn cho phát triển kinh tế là một tiềm năng lớn của TP HCM. TP đóng góp 30% ngân sách quốc gia. Tình trạng vừa thiếu vốn vừa lãng phí trong đầu tư dưới nhiều hình thức vẫn tồn tại, thiếu đồng bộ, công tác quy hoạch không bắt kịp yêu cầu cuộc sống,... đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc đối với doanh nghiệp và nhân dân.
Nguồn nhân lực: con người là yếu tố quyết định trong phát triển kinh tế, TP HCM là nơi hội tụ nguồn nhân lực, có thế mạnh để thu hút và sử dụng nguồn nhân lực. Con người TP HCM có kiến thức, có tay nghề, có kinh nghiệm quản lý, luôn năng động sáng tạo, thực sự là tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế TP.
Cơ cấu kinh tế, ngành nghề truyền thống: cơ cấu kinh tế thành phố thể hiện một thành phố công nghiệp, TP luôn giữ vững tỷ lệ tăng trưởng cao hơn cả nước. Các ngành nghề truyền thống chiếm ưu thế  trên thị trường toàn quốc như thực phẩm, đồ uống, cơ khí, may mặc, da giày, dệt, hóa chất, điện tử. Các khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ cao so với cả nước, đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng cao và đang phát triển mạnh như xuất, nhập khẩu chiếm 40% cả nước, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, du lịch khách sạn nhà hàng, hoạt động tại chính tín dụng, vui chơi giải trí đều đứng hàng đầu cả nước. Nhưng hiện nay cơ cấu kinh tế đang giảm dần sức cạnh tranh, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – kỹ thuật và giá trị gia tăng còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu GDP, dù TP đã đề ra nhiều chương trình mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng do thiếu các giải pháp, biện pháp và sự tập trung  nguồn lực đủ mạnh nên chưa mang lại kết quả.
Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của sản phẩm còn kém, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm còn cao, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa bằng hàng hóa nước ngoài, trình độ thiết bị và công nghệ của nhiều ngành còn lạc hậu so với các nước trong khu vực, chưa có được nhiều sản phẩm chủ lực với nhãn hiệu – thương hiệu có uy tín trong nước và thế giới, chưa có ngành công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất.

2. Chứng minh Tp.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước ta, đầu tàu kinh tế quốc gia – hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có sự phát triển kinh tế Nam bộ và cả nước
a. Đặc điểm, vai trò vị trí của nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đối với Nam Bộ và cả nước.
Nền kinh tế TPHCM có sự phát triển toàn diện, có tính phong phú và đa dạng trên từng loại ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Kinh tế thành phố là nền kinh tế “mở” gắn kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế.
Kinh tế thành phố là nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ. Phát triển từ rất sớm, nhanh và liên tục (tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng liên tục trên 10%; năm 2011 tăng 10,58% cao nhất cả nước).
Kinh tế thành phố phát triển liên tục với nhịp độ ngày càng cao, thời kì sau luôn cao hơn thời kì trước.
Trong nền kinh tế thành phố lĩnh vực thương mại, xuất – nhập khẩu giữ vai trò hết sức quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế những vùng xung quanh phát triển theo.

b. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trên mọi lĩnh vực khác nhau:
Thành phố nằm ở vị trí hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 8 tỉnh thành : TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.
Thành phố là trung tâm về nhiều mặt của cả miền, cả nước và khu vực : trung tâm về tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, …
Thành phố có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tương đối quy mô và đồng bộ : đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường không.
Thành phố có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hàng hóa.

c. Thành phố có điều kiện địa lý tự nhiên hết sức thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế : ít bão, khí hậu ôn hòa, giữa vùng Đông Nam Bộ giàu tài nguyên và vùng Tây
Nam Bộ giàu lương thực, …
Nguồn nhân lực đa dạng và phong phú, tập trung đội ngũ lao động có chất xám cao chiếm trên 40% cả nước.

d. Thành phố có tiềm năng rất lớn về huy động các loại nguồn vốn: vốn đầu tư từ nước ngoài FBI, vốn từ kiều bào ở nước ngoài gửi về, vốn huy động từ trong dân qua ngân hàng, vốn từ Trung ương đầu tư lại cho thành phố.

3. Một số giải pháp lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới gồm:
Một là, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, tăng năng suất tổng hợp, tiến bộ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai là, tiếp tục thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ: tài chính tín dụng ngân hàng bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục đào tạo.
Ba là, tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao: cơ khí, điện tử công nghệ thông tin, hóa dược cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ.
Bốn là, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công tác dự báo, tập trung sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, rau an toàn, cây kiểng, cá kiểng. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược biển. Chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.
Năm là, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng để phát triển các thành phần kinh tế; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn, thông tin công nghệ và thị trường. Phát triển đồng bộ 5 loại thị trường chính yếu: tài chính, hàng hóa dịch vụ, công nghệ, bất động sản, lao động; đổi mới, nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy vai trò của thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sáu là, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy đội ngũ trí thức để khoa học công nghệ thực sự là động lực nâng cao chất lượng tăng trưởng; bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; Phát triển thương mại điện tử; các mô hình phân phối, giao dịch hiện đại vào hoạt động thương mại. Quy hoạch phát triển trung tâm hội chợ triển lãm thương mại có tầm cỡ khu vực.
Bảy là, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị. Nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị theo hướng xã hội hóa.
Tám là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học công nghệ, gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất kinh doanh. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tăng đầu tư để phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng những trung tâm khoa học công nghệ tiêu biểu. Có chính sách bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng các chuyên gia khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

C. Liên hệ bản thân, đơn vị: Anh/chị tự liên hệ tại đơn vị.