Những ngày cuối tháng bảy, tôi được cử tham gia cùng Thành Đoàn TP.HCM thực hiện Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng tại xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thời gian thực hiện nhiệm vụ là 6 ngày, kể cả ngày đi và ngày về. Nhiệm vụ của đoàn chúng tôi thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người dân và khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp trên đảo.



Thổ Châu là một quần đảo nằm trong vịnh Thái Lan, ở về phía tây nam đảo Phú Quốc và được xem là ở cực tây nam của Việt Nam. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thổ Châu có tổng diện tích tự nhiên 1.395,16 ha, gồm 8 hòn đảo (đảo Thổ Chu, hòn Tử, hòn Cao Cát, hòn Nhạn, hòn Khô , hòn Đá Bàn, hòn Xanh và hòn Cao), trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất có dân sinh sống. Xã chỉ có duy nhất một ấp Bãi Ngự, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của xã, cách thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) 101 km, cách thành phố Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang, 220 km. (nongnghiep.vn)

Tên gọi của đảo do chúa Nguyễn Ánh đặt trong thời kỳ bôn tẩu vốn là Thổ Châu (ông không đặt tên là Thổ Chu vì kỵ húy tổ tiên là chúa Nguyễn Phúc Chu). Mặc dù trong Hán tự, Chu và Châu vốn được viết cùng một tự dạng, nhưng vẫn đọc là Châu. Đến sau năm 1975, một số cán bộ miền Bắc gọi nơi đây là Thổ Chu và dần phổ biến như hiện nay. Thổ Châu là tên gọi đầu tiên xuất hiện và tồn tại dài nhất, qua suốt hàng trăm năm lịch sử không có biến động và tranh cãi. Trong khi Thổ Chu chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây. (wikipedia.org)



Sau nhiều lần thay đổi thời gian ra đảo do biển động, thời tiết xấu, chúng tôi chính thức xuất phát ngày 20/7/2019. Để đi ra đảo một cách chính thống, con đường duy nhất là phải ra Cảng bãi Vòng, Phú Quốc, rồi từ đây mới khởi hành đi tiếp. Từ TP.HCM chúng tôi di chuyển bằng xe khách khoảng 300 km để đến Thành phố Hà Tiên khoảng 8 giờ. Sau đó, chúng tôi tiếp tục di chuyển 89 km bằng tàu cao tốc Phú Quốc Express từ Cảng Hà Tiên đến Cảng bãi Vòng, Phú Quốc khoảng 1 giờ 30 phút. Cuối cùng, để đến Thổ Châu, chúng tôi tiếp tục di chuyển bằng tàu khách Thổ Châu 09 thêm 198 km khoảng 5 giờ 30 phút. Đây là phương tiện kết nối duy nhất giữa Thổ Chu với Phú Quốc, mỗi 5 ngày mới có một chuyến và 2 ngày quay trở về Phú Quốc.

Lịch trình từ Thổ Chu về TP.HCM có chút thay đổi so với trước. Chúng tôi vẫn di chuyển bằng tàu khách Thổ Châu 09 từ Thổ Chu nhưng do gặp mưa giữa biển nên tàu chạy chậm, hơn 6 giờ mới về đến Cảng bãi Vòng, Phú Quốc. Sau đó, chúng tôi đi tàu cao tốc Phú Quốc Express từ Phú Quốc về Bến tàu Phú Quốc, Rạch Giá với 117 km khoảng 2 giờ 30 phút. Cuối cùng, chúng tôi rút ngắn khoảng đường từ Rạch Giá về TP.HCM so với trước còn 200 km trong 6 giờ.


Như vậy, hành trình đến Thổ Chu phải mất ít nhất 5 ngày, tuy nhiên thời tiết xấu thì 10 ngày đến 30 ngày tàu mới ra biển. Do 5 ngày mới có một chuyến nên ngày có tàu cập bờ là lúc bến thuyền nhộn nhịp khác hẳn ngày thường và bạn phải thật tranh thủ để có chỗ ngồi ổn định trên tàu. Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Thổ Chu là từ 15 đến 18 giờ tùy vào tình hình thời tiết trên biển. Giá vé tàu Phú Quốc Express từ Cảng Hà Tiên đến Cảng bãi Vòng, Phú Quốc có giá 250.000 đồng/người, từ Phú Quốc về Bến tàu Phú Quốc, Rạch Giá có giá 340.000 đồng/người. Giá vé tàu khách Thổ Châu 09 là 50.000 đồng/người.



Bước chân lên đảo, chúng tôi gặp ngay một thị trấn nhỏ, cũng có đủ điện, đường, trường, trạm, chợ... như ở đất liền, tuy nhiên quy mô thì nhỏ hơn. Người dân trên đảo chủ yếu làm nghề biển, nuôi trồng thủy sản trên lồng bè, dịch vụ hậu cần nghề cá, quán ăn và trên đảo có rất nhiều cửa hàng tạp hóa. Từ cầu cảng cá ở Bãi Ngự bước lên đảo là gặp chợ, đường rộng cho xe máy và ô tô, nhiều của hàng, nhà dân được xây dựng khang trang, cao tầng, tập trung buôn bán khá tấp nập, từ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày cho đến các dịch vụ vui chơi, giải trí cũng không thua trong đất liền. Cuộc sống trên đảo cũng khá đầy đủ, tiện nghi, có nhà sử dụng máy lạnh, máy phát điện chạy bằng dầu cả ngày lẫn đêm, mạng viễn thông có cả 4G, trạm xá quân dân y, trường học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở… 


Toàn xã Thổ Châu có 618 hộ, với 2.070 nhân khẩu. Người dân ở đây là dân tứ xứ, có người từ Kiên Giang, Cà Mau ra và cả các tỉnh miền Trung. (nongnghiep.vn)


Từ năm 2016, Thành Đoàn TP.HCM đã đồng loạt tổ chức các hoạt động tình nguyện tại đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Kiên Giang để thể hiện vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên TP. Hồ Chí Minh hướng về biển đảo quê hương và góp phần tham gia xây dựng đảo Thanh niên tại Thổ Chu. Năm nay, có nhiều đội hình tình nguyện Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng của Thành Đoàn TP.HCM và Mùa hè xanh tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bình Dương cùng thực hiện nhiều hoạt động trên đảo.

Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng trên đảo được thực hiện từ ngày 21 đến 24/7, đội hình được chia thành nhiều tổ chuyên môn như Tổ điện, Tổ y tế, Tổ tuyên truyền và Tổ nông nghiệp. Tôi và các thầy của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM được phân công ở Tổ nông nghiệp, thực hiện nhiệm vụ khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm bào ngư xám cho chiến sĩ tại Trung Đoàn 152.


Qua khảo sát vườn tăng gia sản xuất tại Trung Đoàn 152 trên Thổ Chu và hòn Từ cho thấy diện tích trồng trọt và chăn nuôi khá lớn, nằm trong vùng trũng của đảo; lượng đất thịt vừa phải, chủ yếu pha cát; có nước ngọt quanh năm, độ pH nước cao 9,5; lượng ánh sáng lớn, nhiệt độ, độ ẩm trong đất và không khí cao, lượng gió ít do bị núi, cây chắn. Đồng thời, các chiến sĩ tại Trung Đoàn có khả trồng trọt và chăn nuôi, cây trồng và vật nuôi được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nên phát triển tốt; ngoài ra, vườn còn được thiết kế giàn, nhà màng, nhà lưới để giảm nhiệt độ hoặc trồng cây dây leo. Ở đây, các chiến sĩ chủ yếu trồng các loại rau, quả quen thuộc như rau muống, mồng tơi, rau cải, rau dền, tai tượng, đu đủ, cây họ bầu, bí... tuy nhiên vẫn còn nhiều sâu, bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tặng 270 kg hạt giống và hướng dẫn cách trồng xen, diệt sâu, bệnh cho cây trồng.


Trong chương trình, chúng tôi cũng hỗ trợ cho các chiến sĩ tại Trung Đoàn thiết kế một nhà trồng nấm bào ngư xám và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Do điều kiện nhiệt độ khá cao, chúng tôi phải thiết kế nhà trồng có diện tích 5 x 2,5m, lợp mái che bằng lá dừa, dùng lưới bao quanh để che nắng, ánh sáng, thiết kế kèo, dây cột phôi nấm ở trên. Trung tâm Phát triển khoa học trẻ Thành Đoàn tặng 1.500 phôi nấm cho Trung Đoàn.


Có người nói, nếu ra Thổ Châu mà không thăm hòn Từ thì coi như chưa đi Thổ Châu. Sáng ngày 24/7, chúng tôi cũng may mắn được ra thăm hòn Từ cùng lãnh đạo Thành Đoàn TP.HCM trong lần đi công tác này. Địa danh hòn Từ được người dân trên đảo đặt cho dễ nhớ, do trên hòn Từ có nhiều cây khoai từ mọc hoang dại. Hòn Từ là đảo lớn thứ 2, có diện tích khoảng 100 ha, đây là đảo quân sự nên không có người dân sinh sống, chỉ có bộ đội làm nhiệm vụ và tăng gia sản xuất.


Khi thăm hòn Từ, chúng tôi di chuyển bằng tàu khách Thổ Châu 09 và đảo không có cầu tàu, tàu quá lớn nên bộ đội dùng xuồng CQ để chở từng đợt người vào bờ. Trước mắt chúng tôi là một bãi cát trắng dài, nước biển trong vắt, xanh biếc có thể nhìn thấy cá, san hô dưới đáy biển, hai đầu bãi cát nhấn bằng hai bãi đá hoang sơ nhô ra biển. Trên đảo, bộ đội cũng thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất như chăn nuôi heo, dê, gà, trồng rau, xây dựng và bảo vệ đảo.


Vùng biển phía trước hòn Từ có nhiều thuyền câu mực của người dân, trên bãi biển có nhiều mảnh san hô, vỏ ốc dạt vào, phía trên là bia đá hòn Từ và đường vào đảo. Chưa hết ấn tượng với vẻ đẹp nơi đây, chúng tôi tranh thủ chụp vài tấm hình làm kỷ niệm và thăm các chiến sĩ trên đảo. Sau đó, chúng tôi đi vào rừng và dạo xung quanh đảo, đường đi trên đảo được bê tông và vòng quanh đảo nên rất thuận tiện khám phá đảo. Hệ thực vật, nấm trên đảo phong phú, mọc xen với núi, đá, thảm xanh dày, hình thù cây, lá kì lạ và tất nhiên là có nhiều nho dại, cây khoai từ hoang dại. Thời gian tham quan hết đảo khoảng 2 giờ. Từ hòn Từ có thể nhìn thấy hòn Nhạn và đảo Thổ Chu.


Cách bãi trước khoảng 200 mét, chúng tôi bắt gặp bãi đá và bãi san hô lớn. Trên bãi, có nhiều tảng đá, mảnh san hô, vỏ ốc, vỏ sò nhiều màu sắc đầy cả bãi biển, từ đây có thể nhìn sang hòn Nhạn - nơi chim nhạn bay rợp trời, sinh sôi, nảy nở.


Ở đây, mọi người có thể xuống tắm biển ở bãi trước, rất sạch sẽ và không có rác thải như ở đảo Thổ Chu nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội đến đây. Đi đến cuối đảo, chúng tôi đến thắp hương mộ Cô Hai và các mộ tập thể.


Hành trình trên đảo khá ngắn và thực hiện nhiều nhiệm vụ, chúng tôi chưa có đủ thời gian tham quan và tìm hiểu về đảo nhưng các bạn cũng có thể dành thời gian tìm hiểu một số địa danh khác ở Thổ Châu để thỏa đam mê nghiên cứu của mình. Cụ thể:
  • Bãi Ngự - bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước êm đềm và tập trung đông đúc người dân sinh sống, xung quanh có nhiều cây bàng vuông cổ thụ, hàng dừa rất đẹp.
  • Bãi Dong - tương tự như Bãi Ngự nhưng ít có người dân sinh sống, trên đường đi phải băng qua khu rừng trên đảo, một bên là biển, một bên là núi và trở thành cung đường đẹp nhất trên đảo.
  • Hòn Nhạn - nơi chim nhạn kéo về làm tổ, đẻ trứng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, ở đây có nhiều vách đá cao hùng vĩ và là điểm A1 xác định đường biên giới trên biển của Việt Nam.
  • Hòn Xanh - xanh mướt một màu của cây lá, là nơi hoang sơ thực sự, nhưng có nhiều động vật hoang dã.
  • Hải đăng Thổ Châu - ngắm cảnh biển từ đảo, có độ cao 140m với tháp đèn cao 18m. Ban ngày, tháp đèn là nơi quan sát toàn đảo, để ngắm cảnh, chụp hình; ban đêm, trở thành nguồn ánh sáng báo hiệu cho người dân ra khơi.
Ngoài ra trên đảo còn nhiều địa điểm hấp dẫn, lặn ngắm san hô, ăn hải sản trên lồng bè và trên đảo cũng có chỗ ăn, chỗ nghỉ đầy đủ phục vụ khách du lịch. Nếu có cơ hội, bạn hãy lên cho mình một hành trình khám phá Thổ Châu với phương châm "Không để lại gì ngoài những dấu chân - Đừng lấy gì ngoài những bức ảnh".

Thổ Châu là nơi mà nhất định phải đến một lần trong đời, đến để thấy biển, đảo Việt Nam đẹp đến nhường nào, đến để cảm nhận một cuộc sống rất khác ở quần đảo cực nam của Tổ quốc.

Snew, photo by me.